Pháo đài Anh hùng Trận_pháo_đài_Brest

Bảo tàng về trận phòng thủ pháo đài Brest, phòng số 6

Quá trình nghiên cứu lịch sử trận pháo đài Brest

Thực chất sự kháng cự kiên cường của lực lượng đồn trú trong pháo đài Brest không gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến bước tiến của Quân đội Đức Quốc xã trong thời gian đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, căn cứ vào việc quân Đức đã để mặc pháo đài Brest nằm phía sau tiền tuyến sau một tuần tấn công và đánh chiếm nó.[10] Tuy nhiên, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô đã nhận thức được tầm quan trọng của sự kháng cự quyết liệt của quân đội và nhân dân Liên Xô trước sức tấn công của quân phát xít xâm lược và đã lưu ý đến cuộc phòng thủ này vào tháng 11 khi nhận được báo cáo tình báo từ hậu tuyến của quân Đức chuyển về.[10][26]

Có điều là, cuộc chiến đấu anh hùng của các chiến sĩ pháo đài Brest không được phổ biến rộng rãi cho đến khi lãnh tụ I. V. Stalin qua đời. Sau chiến tranh, những chiến sĩ Hồng quân còn sống sót trong các trại tập trung của phát xít Đức lại bị cơ quan NKVD của Beria gán cho tội "làm phản", "cộng tác với địch" và phải chịu cảnh đày ải trong các trại tập trung "vì lý do họ đã bị quân thù bắt làm tù binh" (theo Chỉ thị số 270).[27] Sau khi Stalin chết, các chiến sĩ bảo vệ pháo đài Brest cuối cùng đã được trả tự do và được vinh danh. Ngày 22 tháng 6 năm 1956, Trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cơ quan truyền thông chính thức của Liên Xô cho rằng những người lính Xô Viết bảo vệ pháo đài Brest là điển hình của chủ nghĩa anh hùng và tổ chức cuộc phòng thủ pháo đài trong vòng một tháng, trong vòng vây của quân Đức. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, dư luận phương Tây cho rằng đây chỉ là chuyện tưởng tượng.[28]. Đến nay, người Nga đã chứng minh được sự thật lịch sử và vẫn giữ quan điểm của mình. Trong một bài viết của Tatyana Shvetsova cho đài phát thanh Tiếng nói của nước Nga về chủ đề này vẫn khẳng định: "Ngay cả sau khi chiến đấu trong vòng một tháng, pháo đài Brest vẫn tiếp tục kháng cự, đã giam chân một bộ phận đáng kể lực lượng của kẻ thù và làm cho chúng mệt mỏi.".[29]

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev thắp nến tưởng niệm những người lính Xô Viết tử trận tại Nhà thờ Thánh Nicholas (được phục dựng) trong Tổ hợp công trình kỷ niệm "Pháo đài Brest anh hùng", 22 tháng 6 năm 2008

Lần đầu tiên, cuộc phòng thủ của Pháo đài Brest được biết đến trong báo cáo của sư đoàn bộ binh 45 gửi Bộ tư lệnh Tập đoàn quân 4 (Đức) mà một trong các bản sao của nó bị quân đội Liên Xô thu giữ trong đống giấy tờ hỗn độn tại kho văn khố sư đoàn bị bỏ lại trong thành phố Livny tháng 2 năm 1942. Vào cuối thập niên 1940, rải rác trên các tờ báo Xô Viết đã xuất hiện một số bài viết đầu tiên về cuộc phòng thủ Pháo đài Brest nhưng thường là các tin tức không xác minh được. Năm 1951, trong khi phân tích các mảnh vỡ tại các cổng trại của Brest, người ta đã được tìm thấy bản "Mệnh lệnh số 1" và cho đến nay, đây là văn kiện viết tay duy nhất bằng tiếng Nga về cuộc phòng thủ này được soạn thảo vào thời điểm đó và còn lưu giữ được. Năm 1957, nhà báo, nhà sử học Liên Xô Sergei Sergeyevich Smirnov sau nhiều cuộc điều tra đã công bố tác phẩm Pháo đài Brest (Брестская крепость) viết về cuộc chiến tại pháo đài Brest.[27] Smirnov đã điều tra về số phận của những chiến sĩ Hồng quân bảo vệ pháo đài, về những người đã ngã xuống ngoài chiến trường, về những người đã chết trong trại tập trung của phát xít Đức, về những người còn sống sót sau chiến tranh.

Bảo tàng về trận pháo đài Brest đã chính thức hoạt động vào năm 1956, trong khi đó Khu tưởng niệm Pháo đài Anh hùng Brest chính thức hoạt động vào năm 1971.[12]. Ngày 8 tháng 5 năm 1965, pháo đài Brest được phong tặng danh hiệu Pháo đài Anh hùng nhân kỷ niệm 20 năm ngày phát xít Đức đầu hàng và được tặng thưởng Huân chương Lenin.[30]

Ảnh hưởng trong nghệ thuật

Đài tưởng niệm cuộc phòng thủ pháo đài Brest

Năm 1951, họa sĩ P. A. Krivonogov đã vẽ bức tranh "Những người bảo vệ Pháo đài Brest" nổi tiếng. Năm 1956, hãng Mosfilm đã xây dựng bộ phim "Đội quân đồn trú bất tử" (Бессмертный гарнизон) do nhà văn Konstantin Simonov viết kịch bản, được dàn dựng bởi các đạo diễn Zakhar Agranenko (Захар Аграненко) và Eduard Tisse (Эдуард Тиссэ) cùng nhà quay phim Veniamin Basnev (Вениамин Баснер). Bộ phim dài 92 phút này mô tả lại toàn bộ cuộc chiến tại pháo đài Brest từ ngày 22 tháng 6 đến ngày 20 tháng 7 năm 1941.

Năm 1974, Nhà xuất bản Cầu vồng (Liên Xô) đã phát hành tác phẩm Tên anh chưa có trong danh sách (В списках не значился) của nhà văn Xô Viết Boris Vasilyev (Борис Васильев). Tác phẩm nói về nhân vật Pluzhnikov, người lính duy nhất còn lại của Hồng quân ở Brest bị bắt sau 9 tháng ẩn trốn và chiến đấu dưới các hàm ngầm của pháo đài. Khi các sĩ quan Đức Quốc xã hỏi anh về tên tuổi, cấp bậc, chức vụ, Nikolai Pluzhnikov chỉ trả lời ngắn gọn: "Tôi - người lính Nga !" và chết. Năm 1975, Nhà hát quốc gia Moskva mang tên "Lenkom" đã chuyển thể tác phẩm này thành vở kịch cùng tên do nghệ sĩ công huân Mark Anatolyevich Zakharov (Марк Анатольевич Захаров) đạo diễn.

Năm 1995, Hãng "Mosfilm" tiếp tục xây dựng bộ phim "Tôi - người lính Nga" (Я - русский солдат) dài 100 phút. Bộ phim này cũng nói về cuộc phòng thủ pháo đài Brest dựa trên tiểu thuyết "Tên anh chưa có trong danh sách" (В списках не значился) của nhà văn Boris Vasilyev (Борис Васильев). Hãng "Belarusfilm" đã dựng bộ phim "Pháo đài Brest" (Брестская крепость) trình chiếu năm 2010 vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng.

Năm 1965, bộ phim tài liệu "Người cha anh hùng thân yêu của tôi" nói về những anh hùng của "trận Pháo đài Brest" đã được giải nhất của Liên hiệp thanh thiếu niên Quốc tế. Năm 2006, các đài truyền quân sự Nga và Belorussia đã phối hợp xây dựng loạt phim tài liệu "Pháo đài Brest bất tử", trong đó có một tập phim phục hiện lại của phòng thủ của pháo đài trong năm 1941. Năm 2007, Ủy ban phát thanh truyền hình trung ương Nga đã cho phát sóng bộ phim tài liệu "Pháo đài Brest" trong đó có nhiều đoạn phim tài liệu do hãng Wochenschau của Đức Quốc xã quay tại chỗ cuộc tấn công pháo đài Brest trong thời kỳ đầu chiến tranh thế giới thứ hai và cảnh Adolf Hitler cùng Mussolini đến thăm pháo đài Brest sau khi bị quân Đức chiếm.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_pháo_đài_Brest http://www.brest.by/ct/page1.html http://www.brest.by/ct/page3e.html http://brest-memorial.iatp.by/ http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941W/... http://www.feldgrau.com/InfDiv.php?ID=41 http://www.geocities.com/~orion47/WEHRMACHT/HEER/G... http://books.google.com/books?id=5GCFUqBRZ-QC&pg=P... http://books.google.com/books?id=QFk5BaDyhkQC&pg=P...